Ngày Đăng: Th05 30, 2023 - 6 Lượt xem

Đảo Jeju là đảo lớn nhất Hàn Quốc với diện tích 1846 km2 (rộng 73 km, dài 41 km).

Có khí hậu đại dương ôn hòa với những tháng nóng nhất cũng không quá 33 °C, Jeju là điểm đến lý tưởng cho tuần trăng mật của các đôi vợ chồng mới cưới, cũng là nơi nghỉ ngơi được ưa thích của du khách nước ngoài.

Con số 20 sân golf trên đảo đã nói lên sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch – giải trí ở Jeju.

Một khu trên đảo này là di sản thế giới UNESCO.

Lịch sử

Được hình thành từ những đợt phun trào núi lửa nên trên đảo Jeju đâu đâu cũng thấy đá. Đá ở trên đảo Jeju có màu đen, có tính xốp, nhẹ và hút được nước. Đá nằm ở khắp nơi hai bên đường, xếp thành hàng rào bao quanh những khu vườn quýt vốn cũng là đặc sản của đảo, đá nằm dọc các bờ biển, đá được tạc tượng hoặc được người dân ở đây dùng để xây nhà hay đắp thành cổng…

Thời trước, đảo Jeju là vùng nghèo đói nhất nước vì nơi đây tách rời hoàn toàn với đất liền, hơn nữa đất canh tác cũng chẳng có bao nhiêu. Nhưng qua bộ phim “Bản tình ca mùa đông” mà hòn đảo Jeju hoang sơ ngày trước như được khoác lên mình bộ áo mới với hình ảnh lung linh và trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng, đầy thú vị, thu hút khách du lịch của nhiều nước trên thế giới.

Vườn quốc gia Núi Hallasan

Hallasan là một ngọn núi lửa đồ sộ với 360 núi lửa vệ tinh hay còn gọi là lỗ ký sinh núi lửa bao quanh, đồng thời là thành phần chủ yếu của đảo Jeju. Và một phần cũng nhờ những đợt phun trào dung nham bazan mà ngọn núi này bây giờ đã cao đến 1.950m (6.398f).

Do vậy, từ trên đảo, du khách có thể nhìn ngắm Hallasan ở mọi nơi tuy phần đỉnh thường bị mây che phủ. Ngoài ra, khi đến Hallasan, du khách còn có thể tham quan ngôi chù Phật giáo cổ, Gwaneumsa.

Hallasan được xem là Khu bảo tồn thiên nhiên số 182 của Hàn Quốc vì nơi đây mang trong mình một nét đẹp lung linh cũng không kém phần hoang sơ, kỳ bí.

Bảo tàng nổi tiếng trên đảo

Viện bảo tàng gấu bông Teddy, nơi giới thiệu hơn 100 năm xuất hiện của chú gấu bông nổi tiếng thế giới, là điểm dừng chân không thể thiếu của hầu hết gia đình nào có dắt theo em bé.

Ngoài ra, chốn tham quan thu hút nhiều khách du lịch nhất khi đến Jeju là Viện bảo tàng Dân tộc học Hàn Quốc, nơi tái hiện hình ảnh, cuộc sống của người dân đảo thời cổ. Đó là một tổ hợp cộng đồng xã hội xa xưa với những ngôi nhà vách đất, mái tranh hình nấm và cả khu “công quyền” với nhà ở của quan chức, nơi xét xử, nhà tù…

Cảm nhận:

Jeju yên bình và dung dị như một làng quê rất đỗi thân quen dù bạn lần đầu đặt chân đến. Jeju còn nổi tiếng là thiên đường dành cho các đôi tình nhân tận hưởng cảm giác ngọt ngào trong tuần trăng mật. Với diện tích 1.800 km2, dân số 550.000 người, đảo Jeju sau những tác động của thiên nhiên nắng gió và địa tầng kiến trúc được tạo thành bởi những dòng nham thạch của núi lửa phun trào cách đây hơn 2 triệu năm và hiện hữu giữa đại dương bao la với vô số cột đá bí hiểm, linh thiêng và kỳ thú.

Jeju quyến rũ các du khách không chỉ bằng những cột đá với vô số hình hài mà còn bởi câu chuyện truyền thuyết về hai pho tượng đá ông nội và bà nội. Đó là hai pho tượng bằng đá đứng bên nhau, được dựng lên hầu như ở khắp mọi nơi trên đảo: tại các điểm tham quan du lịch, trên đường phố, nơi công cộng… thậm chí là trước cổng mỗi căn nhà trong các ngôi làng dân tộc ở Jeju.

Ba thứ nhiều nhất trên đảo: Gió, đá và phụ nữ

Đá

Jeju là hòn đảo được hình thành do nham thạch của núi lửa, chính núi Halla cũng là một ngon núi lửa đã ngừng hoạt động từ rất lâu.

Đá ở đây có mặt trong đời sống của người dân, là đặc trưng của hòn đảo này.

Đá đảo Jeju có màu đen, xốp, nhiều lỗ, nhẹ và hút nước.

Đá có mặt ở khắp mọi nơi, đá được mang ra xây nhà – người ta gọi là nhà đá, đá dược đắp thành cổng và tường bao quanh nhà – gọi là cổng đá, đá được mang ra làm cột mốc phân cách giữa làng này làng kia, đá được đắp thành những bờ ngăn cách thửa ruộng, thửa đất – người ta gọi là điền đá…

Khi đào mộ an táng người chết, thấy đá người ta lấy đá đó xây mộ. Dù ở nơi đâu, đào đất lên là thấy đá. Có thể nói, mọi văn hóa của hòn đảo này đều được gắn liền với hòn đá.

Gió

Hòn đảo Jeju có rất nhiều gió do vị trí địa lý của nó. Tác động của gió được thể hiện rất rõ rệt trong cuộc sống của người dân nơi đây.

Tên gió ở đây cũng rất đặc biệt và đa dạng như gió tây (Hanuibaram), gió tây bắc (Nophanuibaram), gió đông bắc (Nopsaebaram), gió đông (setbaram), gió nam (maparam), gió đông nam (dongmaparam), Galbaram, Seotbaram, seothanuibaram, yangtosaebaram, yangbaram…

Người dân Jeju đã tìm mọi cách để chống lại gió và cũng từ đó tạo nên nền văn hóa gió rất độc đáo. Ngày nay, bước vào kỷ nguyên mới với khoa học kỹ thuật hiện đại, gió ở Jeju đã được sử dụng để tạo ra nguồn điện cho người dân.

Phụ nữ

Ai đi Jeju rồi cũng nói về phụ nữ của xứ sở này nhưng phụ nữ Jeju không đẹp, khác hẳn với những cô gái Seoul da phấn má hồng. Sở dĩ phụ nữ được coi là nét độc đáo của Jeju vì từ trước đến nay phụ nữ trên hòn đảo này luôn được xem là lao động chính, do ngày xưa đàn ông rất ít vì họ quanh năm đi biển, chỉ còn đàn bà con gái.

Người phụ nữ trên đảo rất giỏi trong các công việc lặn biển mưu sinh và cũng nổi tiếng trong tề gia nội trợ, phục tùng chồng, yêu thương chăm sóc con.

Ngày xưa đàn ông trên đảo có thế có nhiều vợ và không cần phải làm gì cả ngoại trừ việc làm chồng. Điều làm du khách thật sự ngạc nhiên và khâm phục là “ngón nghề” lặn biển của phụ nữ Jeju. Chỉ với bộ đồ da ôm sát người và vài dụng cụ lặn biển thô sơ, những người phụ nữ lặn sâu xuống biển và mang về nào là bào ngư, hải sâm, mực, ốc… để buôn bán và mưu sinh.

Ba thứ không có trên đảo: Ăn trộm, ăn mày và cửa lớn.

Ăn trộm và ăn mày

Cánh đồng ở Jeju chủ yếu toàn đá nhưng nhờ có thời tiết ấm áp nên nông nghiệp phát triển rất thuận lợi. Thêm nữa, xung quanh bốn bề là biển với những sản vật đa dạng nên việc kiếm ăn rất dễ dàng. Chính vì thế mà không có ăn mày. Những người dân trên đảo nói rằng: “ngày xưa ở Jeju không có nơi để trốn”.

Cửa lớn

cong-4385-1414567475.jpg

Thời xa xưa, Jeju là một hòn đảo vắng người, dân cư thưa thớt. Chính vì thế, người dân ở đây sống rất hòa thuận với nhau. Cuộc sống không giàu có khiến họ chẳng có gì mà phải mất công trong việc xây nhà, xây cửa kiên cố để giữ của cải làm gì. Đó chính là lý do mà người đảo khi làm nhà không bao giờ xây cổng lớn.

Cửa ngõ ở Jeju được gọi là “Jeong nang”. Hai bên cổng có 2 cái trụ, trên mỗi trụ được đục 3 lỗ. Nếu trụ làm bằng đá thì gọi là “Jeong nang seok” nếu làm bằng gỗ thì gọi là “Jeong nang mok”. Có 3 cái cây có thể gắn vào kéo ra khỏi trụ được. Số lượng cây được gắn vào trụ đóng vai trò cho khách biết chủ nhà đi như thế nào. Nếu xỏ một cây vào thì có nghĩa là chủ nhà vừa đi đâu đó và sẽ về liền, nếu gắn 2 cây thì nghĩa là chủ nhà đi đâu đó trong vùng lân cận và sẽ về trong ngày. Còn nếu gắn 3 cây thì nghĩa là chủ nhà đi xa.

Có thể bạn sẽ thấy có nhà đặt 4 thanh gỗ. Đây là tín hiệu thể hiện một gia đình chỉ có phụ nữ thôi. “Nhà toàn đàn bà con gái, đàn ông tránh qua lại kẻo mang tiếng cho phụ nữ chúng tôi”. Xưa, người đàn ông đi biển chẳng mấy trở về, có những gia đình chỉ vò võ người mẹ, người vợ ở nhà, họ vẫn sống cuộc sống lao động như đàn ông nhưng vẫn rất mực giữ gìn khí tiết, sợ dơ bẩn thanh danh. Hòn đảo tưởng như tách biệt với thế giới bên ngoài, nhưng nó vẫn là một thực thể thuộc Phương Đông – với những đặc trưng văn hóa Á Đông tiêu biểu.

Ngày nay đời sống thay đổi nhiều, đi trên đường phố thuộc hai khu trung tâm Jejusi va Seokwiposi, người ta đã có thể nhìn thấy những ngôi nhà kín cổng cao tuờng – thể hiện cuộc sống giàu có, một nét thay đổi theo quy luật đương nhiên của sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nếu về những miền quê, xa khu trung tâm, xa khu du lịch, lòng người sẽ rộn ràng niềm vui khi nhìn thấy những ngôi nhà thấp bé làm bằng gỗ hoặc bằng đá, được bao quanh là bức tường thấp được xếp đặt một cách khéo léo bằng những hòn đá đặc sản nơi đây.