Là một đảo khá lớn nằm về phía Nam của bán đảo Triều Tiên, Jeju hay còn được gọi là Tế Châu, có một diện tích lớn gấp ba lần Seoul (diện tích thủ đô Nam Hàn 600km2) và chỉ có vào khoảng 600,000 dân sinh sống.
Nguyên thủy, Jeju là một đảo núi lửa được hình thành cách đây hơn 60 triệu năm. Những trận nổi giận của thần núi lửa hơn 200,000 năm trước đã để lại rất nhiều dấu ấn chung quanh Jeju ngày nay như ngọn núi Halla, như các dung nham đen quanh bờ biển.
Kiến trúc thiên nhiên cũng tạo cho Jeju một ngọn núi cao nhất Nam Hàn, đó là ngọn Halla một ngọn núi lửa đang ngủ yên và cao gần 2km. Nó chiếm một diện tích khá lớn trên đảo (150km2), miệng núi Halla ngày nay là một hồ nước có đường kính 2km và sâu đến cả 100m.
Hồ núi lửa này cũng như những thắng cảnh thiên nhiên khác đều được dân địa phương thêu dệt những câu chuyện thần tiên, tăng thêm phần kỳ bí cho niềm tin của họ.
Ðây cũng là một thắng cảnh đẹp cho những ai thích đi hiking lên đỉnh núi Halla, những tảng đá đứng trơ gan cùng tuế nguyệt mà dân làng gọi là 500 ông Bồ Tát cộng với không gian Mùa Xuân hay Mùa Thu Jeju thì cũng không uổng cho cái công của du khách đến thăm hải đảo Jeju.
Ngọn núi Thành Sơn (Seongsan) nằm sát ngay phố ven biển Ilchulbong, phía Ðông Jeju. Ðây là thắng cảnh được UNESCO công nhận, có lẽ là vì một yếu tố núi ngay bên ven biển.
Ngọn Thành Sơn không cao lắm, có đường đi bộ lên núi. Từ trên núi Thành Sơn nhìn về phố biển dưới chân quả là một không gian rất đẹp, một dải đất nhỏ kéo dài từ đất liền đến chân núi chia biển làm hai tạo cho du khách một ấn tượng khác lạ về không gian ở đây.
Người du ngoạn nườm nượp nhưng sao vẫn cảm thấy không gian nơi đây thoáng rộng, một ngôi chùa nho nhỏ cũng có tên Ilchulbong (Nhật Xuất Phong) yên bình nơi chân núi tạo thêm cảnh cho du khách chụp hình chùa, núi và biển.
Trên đường lên núi, một tảng đá to cao đứng sừng sững có tên là Lamp Rock, chuyện kể rằng người dân làng đi qua đây thường cúi đầu chào 4 lần trong một ngày, hai cúi chào lần đầu để tỏ lòng tôn kính Thánh mẫu Selmondae, hai lần sau để tôn kính vị Tướng Kim Tong-Jeong người đã chống quân Nguyên Mông đến cùng. Ông đã tử tiết khi biết không đủ sức gìn giữ đất nước Cao Ly của ông.
Không xa khu vực núi Seongsan là một trong những biểu tượng cho Jeju là tảng đá Ðầu Rồng do dung nham núi lửa tạo nên. Nhiều câu chuyện thần thoại nói về tảng đá này nhưng đâu có gì quan trọng. Rồng há miệng để nhả ngọc hay để cầu xin một điều gì ở thiên giới. Không ai biết được nhưng chắn chắn một điều là Ðầu Rồng giúp kinh tế du lịch của Jeju thăng tiến hàng năm.
Ðảo Jeju dùng Ðầu Rồng làm biểu tượng là thật đúng.
Rời phía Ðông đảo Jeju và đi về phía Nam của đảo, đến thành phố Seogwipo. Ở đây cũng cho du khách nhiều thắng cảnh thưởng ngoạn. Trên đường đi người ta có dịp quan sát những vườn trồng trà xanh của Jeju. Ðây cũng là một đặc sản khác của Jeju, tuy nhiên giá cả thật không rẻ chút nào. Nói chung thì giá cả mọi thứ ở Nam Hàn bây giờ không còn rẻ nữa. Ðặc sản chính của Jeju có lẽ người ta phải nói đến quít (tangerines).
Nhưng có lẽ điểm thưởng ngoạn chính ở đây là thắng cảnh Oedolgae Rock. Ðây cũng là điểm mà phim Ðại Trường Kim đã được quay và giờ trở thành một điểm du ngoạn cho những ai yêu thích Ðại Trường Kim. Song song bên cạnh đó là tảng đá Oedolgae Rock, tảng đá cao khoảng 20m và chu vi 10m, tảng đá cô lập đứng một mình.
Có câu chuyện kể về Oedolgae hao hao như Hòn Vọng Phu của nước Việt mình. Nhưng bên cạnh đó cũng có một câu chuyện khác, cho rằng tảng đá tượng trưng cho vị Tướng Choe-yeong, người đã đứng bên biển để thị uy đoàn quân Nguyên Mông khi họ lấn chiếm đảo Jeju.
À! Không biết trong các bộ phim Nam Hàn có bộ phim nào có nói về “con đường thần bí” tại Seogwipo không. Con đường mà có một đoạn “lên dốc”, xe tắt máy mà vẫn từ từ lăn bánh đi lên.
Bạn có tin được điều đó không? Tôi thì không tin chút nào vì tôi tin chắc đó là đoạn đường xuống dốc nhưng vì ảo giác mắt của chúng ta với đoạn đường trước mặt nên cứ tưởng nhầm đi lên. Ðây là một đoạn đường do một ông tài xế taxi vô tình cảm nhận được vào năm 1980. Ngày đó chắc Jeju còn nghèo “rớt mồng tơi” vì chưa có phim ảnh nào nổi tiếng, phải chăng vì thế “con đường thần bí” ra đời để lôi cuốn du khách thập phương.
Ngoài ra còn có các ngọn thác Thiên Ðế, Thiên Ðịa giúp thêm vào sắc đẹp của hải đảo Tế Châu. Hai đêm lưu trú tại Jeju mà du khách hãy còn luyến tiếc cảnh sắc nơi đây. Lần sau đành ở thêm một đêm nữa vậy.
Từ Seoul du khách chỉ mất khoảng 1 giờ bay để đến Jeju. Phi trường Jeju tương đối lớn và có thể đón nhận rất nhiều du khách, tuy nhiên số lượng du khách từ các xứ Á Châu đến Jeju ngày một nhiều vì có lẽ người ta đến đây không phải vì cái đẹp thiên nhiên của Jeju mà chỉ vì Jeju là nơi mà các nhà làm phim Nam Hàn đã biến nơi đây thành hình ảnh tuyệt đẹp trong tâm tưởng của các “tín đồ phim truyện Nam Hàn”. Hàng trăm bộ phim đã được quay ở đây kể cả bộ phim nổi tiếng Ðại Trường Kim. Tôi không xem phim Nam Hàn nên không có khái niệm nhiều về các hình ảnh trong phim, có lẽ vì thế tôi “thiếu sót” sự thưởng ngoạn nét đẹp Jeju trong tâm tư mình chăng!
Tự nhủ lòng sẽ dành ra một ít thì giờ để xem thử một bộ phim nào đó của Nam Hàn quay tại Jeju xem sao. Biết đâu tôi cũng sẽ trở thành một “tín đồ phim ảnh xứ Hàn” khi mà lòng vẫn đang tơ tưởng đến hải đảo Jeju.