PUTRAJAYA
Vị trí: Nằm cách thủ đô Kuala Lumpur về phía Bắc và cách sân bay quốc tế KLIA 20 km về phía Nam.
Diện tích: 4,931 hecta
Dân số: 45.000 người
Theo kế hoạch, 35 tỉ USD sẽ được đầu tư để xây dựng thủ đô hành chính rộng gần 5.000 ha này. Nhưng đến nay với 7 tỉ USD, một Putrajaya hiện đại, tráng lệ đãthành hình. Khách đến thăm không khỏi trầm trồ ngạc nhiên với quy mô cũng như quy hoạch, thiết kế của thành phố tương lai này. Mỗi một Bộ của chính phủ là một toà nhà bề thế, bên trong được thiết kế và trang bị như khách sạn 5 sao.
Đây là một khu hành chánh mới của chính phủ Liên bang Malaysia. Tọa lạc tại nơi này còn có 1 hành lang siêu công nghệ – Multimedia Super Corridor (MSC), Việc xây dựng Putrajaya đánh dấu một bước ngoặc trong lịch sử về việc hoạch định xây dựng các thành phố tại Malaysia. Đây là một thành phố nhà vườn hiện đại với hệ thống truyền thông được nối mạng giữa tất cả các tòa nhà với nhau. Đây được xem là một thành phố sạch xanh & thông minh nhất tại Malaysia.
Chính quyền Malaysia chi 54 tỷ USD cho kế hoạch 5 năm (2006 – 2010) với mục tiêu biến đất nước này thành quốc gia Hồi giáo phát triển đầu tiên trên thế giới vào năm 2020. Số tiền này sẽ được sử dụng cho chiến lược thúc đẩy sự phát triển kinh tế và giảm khoảng cách giàu nghèo trong dân chúng.
Con số 54 tỷ USD đó chưa được tính cho chi phí xây dựng thủ đô hành chính mới ở Putrajaya, cách trung tâm cũ khoảng 25 phút đi xe. Chỉ trong vòng chưa tới 5 năm sau khi khởi công, Putrajaya đã lột xác từ một khu rừng cọ um tùm trở thành một nơi đẹp tựa thiên đường với các tòa cao ốc, khu dân cư, công viên, hồ nước, trường học, bệnh viện… được trang bị tối tân, ngập tràn hoa lá, cỏ cây và tiếng chim muông.
Ước vọng xây dựng một “đô thị thông minh – đô thị vườn” thành hình từ cuối những năm 1980 trong một đảm bảo rằng Kuala Lumpur vẫn là trung tâm kinh doanh và tài chính. Khu rừng 4.932 ha nằm ở phía nam bang Selangor được chọn và đặt tên Putrajaya nhằm vinh danh thủ tướng đầu tiên của nền cộng hòa non trẻ là ngài Tunku Abdul Rahman Putra Alhaj. 38% quỹ đất trong quy hoạch được dành làm công viên, hồ nước trong khi phần còn lại dành làm văn phòng của các cơ quan chính phủ, khu vực thương mại, khu dân cư và các công trình công cộng. Tất cả các kiến trúc này sẽ xoay xung quanh trung tâm là hồ Putrajaya rộng 650ha.
Theo giải thích của các công trình sư, hồ nước nhân tạo này nhằm tạo cảnh quan và điều tiết khí hậu trong vùng. Hồ không những để phục vụ các hoạt động thể thao như: bơi thuyền, lướt ván, bơi lội… mà đồng thời còn là ranh giới tự nhiên giữa 2 cụm chính của thành phố.
Cụm “hạt nhân” gồm khu cơ quan trung ương, khu phát triển hỗn hợp, khu văn hóa – phúc lợi, khu thương mại, khu thể thao giải trí; cụm “phụ cận” gồm nhà ở, công viên và các công trình công cộng. Trong cụm “hạt nhân”, người ta đã xây dựng xong tòa nhà làm việc của nội các và của riêng thủ tướng, nằm ở điểm cao nhất khu vực, được mệnh danh “tiên phong của một chính phủ điện tử”. Phức hợp này gồm văn phòng làm việc, nơi diễn ra các cuộc đón tiếp quốc tế, tổ chức đại tiệc chiêu đãi, sảnh ngoại giao… Đặc biệt, ngoài khu nhà ở dành cho gia đình thủ tướng, phó thủ tướng, tất cả các công trình này dự kiến sẽ mở cửa rộng rãi cho du khách đến tham quan (giống như Mỹ đang làm với Nhà Trắng).
Putrajaya có 11 khch sạn lớn, 7 sân golf, 2 thánh đường Hồi giáo (cái lớn nhất chứa được 15 ngàn tín đồ cùng một lúc), 5 công viên, một trung tâm hội nghị quốc tế, một đài tưởng niệm Thiên niên kỷ cao 68m, một vườn bách thảo, một công trình dành riêng cho việc mô phỏng các hoạt động thu hoạch và chế biến nông sản như cao su, dầu cọ, trái cây, dược thảo, gia vị. Ít lâu nữa, đô thị này sẽ chính thức đi vào hoạt động và có quy mô dân cư lý tưởng là 350 ngàn người.
Nếu tốc độ phát triển dân số (kể cả cơ học) là 2,5% thì trong vòng 20 năm tới, Kuala Lumpur vẫn chưa quá tải: các con đường đều rộng trung bình 30m, ngồi đường phố vẫn thưa thớt người qua lại và rừng núi dường như còn chen chân vô đến tận cửa các công trình xây dựng. Nhưng họ vẫn cứ xây thêm. Hành động này không những biểu hiện một tầm nhìn xa trông rộng của các nhà lãnh đạo, không những là sự thể hiện tiềm năng kinh tế của mình, mà sâu xa hơn nữa nhằm mục đích khơi gợi lòng tự hào dân tộc như một thứ hành trang bửu bối trên con đường đuổi kịp các quốc gia phát triển hàng đầu trên thế giới. Đó cũng chính là khả năng hiện thực hóa từng bước tham vọng biến Malaysia thành một thế lực tài chính mới, cạnh tranh trực diện với Hồng Kông và Singapore của các nhà lãnh đạo nước này.
Thật sự để xây dựng thành phố mới chính phủ Malaysia sẽ phải tiêu tốn rất nhiều tiền, nhưng họ đã có những biện pháp để thu hút đầu tư nước ngoài để bù đáp cho các khoản chi phí xây dựng thành phố. Đó là phương thức rất đơn giản và cổ xưa “một kí muối đổi 1 con gà”.
Nghĩa là các nhà đầu tư muốn xây dựng công trình ngay vị trí truớc đây là văn phòng của bộ tài chính thì họ phải xây dựng một công trình có giá trị tương đương tại Putrajaya. Công trình xây dựng tại Putrajaya phải theo đúng thiết kế quy hoạch của thành phố. Chính nhờ đó mà thành phố nhanh chóng được xây dựng bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế 1997 có ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế Malaysia.
Thủ đô hành chính Putrajaya là một ví dụ điển hình khác của một Malaysia nhìn xa trông rộng và dám nghĩ dám làm. Thủ đô Kuala Lumpur chưa phải là đã ngột ngạt như nhiều thủ đô trên thế giới. Trên thực tế, nếu đi từ Bangkok về đây người ta thấy ngay một cảm giác thư giãn trước những khoảng không bao la, thoáng đãng. Mặc dù vậy, Chính phủ Malaysia vẫn chưa thoả mãn với điều còn đang là giấc mơ với nhiều nước khu vực, quyết định rời bộ phận hành chính sang một thành phố khác cách thủ đô hiện nay 35km.
Cái hồn của Putrajaya thể hiện qua sự tỉ mỉ của những chùm đèn đường các loại cho mỗi dãy phố, của những thảm cỏ xanh, của những cây cầu bắc qua hồ nhân tạo chia đôi thành phố. Những ai đến Putrajaya ít nhiều phải đồng ý rằng đây là thành phố có tầm nhìn và di sản cho các thế hệ hôm nay và mai sau của Malaysia.
Tham khảo: https://www.dulichvietnam.com.vn/cam-nang-du-lich/tat-tan-tat-ve-du-lich-putrajaya-thanh-pho-thong-minh-o-malaysia-p2.html