1. Khái niệm
Từ xưa đến nay, Daruma luôn được xem là một vật biểu tượng cầu may nổi tiếng của Nhật Bản.
Biểu tượng này mang dáng hình một con búp bê, nhiều khi còn được gọi là con lật đật Okiagari Koboshi (起き上がり小法師/The little monk who bounces back) , trong đó, “Oki” nghĩa là đứng dậy (get up), còn “agari” nghĩa là vươn lên (arise); ngụ ý muốn nói về sự kiên trì, vượt qua nghịch cảnh để đạt được thành công, hay sự phục hồi nhanh chóng khỏi nỗi khổ hay bệnh tật.
Biểu tượng hay búp bê Daruma thường được làm thủ công bằng giấy bồi truyền thống, có hình dạng tròn, rỗng và nặng ở phía dưới để luôn có thể trở về vị trí thẳng đứng khi bị đẩy qua lại. Từ tư thế ngồi kiết già theo kiểu ngồi thiền, hai chân bắt chéo lên nhau, hai tay xếp sát vào thân thể của Bodhidharma; người ta đã chế tạo Daruma theo dáng người ngồi thiền, nhưng không có tay chân hay tay chân bị teo.
Sau nhiều lần biến tấu, Daruma dần dần được gọt giũa và trông như một con lật đật tròn, hình nhân không có cổ hay tay chân. Để làm một búp bê Daruma thì người ta phải trải qua 18 bước thủ công vô cùng công phu, tỉ mỉ và vất vả, cũng bởi thế mà hiếm có hai búp bê Daruma nào mà giống nhau y đúc.
Nói về các đặc điểm nổi bật của Daruma, đầu tiên ta phải chú ý tới màu sắc. Daruma có 5 màu chính: đỏ, tím, vàng (yellow), vàng (gold) và bạc. Màu đỏ tượng trưng cho vận may; màu tím là sức khỏe và tuổi thọ; màu vàng (yellow) chỉ sự êm ấm, an toàn; màu vàng (gold) thể hiện sự giàu sang, thịnh vượng và màu bạc nói về tình yêu và sự hài hòa.
Ngoài ra, người ta cũng hay ghép bộ 5 màu: xanh (lá cây/da trời), vàng, đỏ, trắng, đen, gọi là Goshiki Daruma.
Màu xanh thể hiện cho sức khỏe hay công việc suôn sẻ; màu vàng là tiền bạc, phú quý; màu đỏ là may mắn; màu trắng là thanh khiết và màu đen là để phòng chống vận xui.
Tuy vậy, mọi người vẫn chuộng nhất là màu đỏ truyền thống. Màu đỏ này có thể là lấy ý tưởng từ chiếc áo choàng/ áo cà sa (robe) trong bộ y phục của Bodhidharma.Hơn nữa, người Nhật cũng cho rằng màu đỏ là chính là màu y phục dành cho những vị cao tăng cao quý. Bên cạnh đó, sắc đỏ còn có một ý nghĩa vô cùng quan trọng là bảo vệ chủ nhân nó khỏi bệnh đậu mùa và mang lại may mắn.
Tiếp đến là đôi mắt của Daruma. Mắt búp bê Daruma thường chỉ là hai lòng mắt trắng, to chứ không có con người màu đen bên trong. Đây được xem là một cách để chủ nhân búp bê có thể theo dõi mục tiêu của mình cũng như là để hối thúc họ thực hiện nhiệm vụ trong năm. Khi mua búp bê Daruma về nhà, người mua sẽ vẽ một con người lên một mắt của Daruma và đặt mục tiêu trong năm phải thực hiện. Bằng cách này, cứ mỗi khi nhìn vào Daruma mới có một mắt, người chủ sẽ nhớ lại các mục tiêu và cố gắng phấn đấu. Theo truyền thống, cả nhà sẽ cùng mua một con búp bê Daruma về, rồi người đứng đầu gia đình sẽ là người được vẽ lòng đen lên tròng mắt. Dù mang một ý nghĩa tích cực như thế, nhưng cuối những năm 1990, một số nhóm nhân quyền đã đưa lên tiếng cho rằng việc mô tả cách làm Daruma không có con ngươi hay thực hiện các hành động có kèm hình ảnh Daruma không có con ngươi là hành động phân biệt, kì thị đối với người mù. Bởi thế, các nhà chính trị sau này đã phải cho dừng việc chiếu các hình ảnh Daruma không có con ngươi đen. Ngoài ra, lý giải cho việc để mắt mở to như thế này, chúng ta cũng có thể quay lại với truyền thuyết về Bodhidharma khi ông ngồi thiền 9 năm. Ông đã lỡ ngủ quên một lần khi đang thiền, vô cùng tức giận bản thân, ông đã cắt đứt hết mí mắt và từ đó luôn chỉ mở mắt nhìn chằm chằm vào bức tường. Bởi vậy, ta thấy búp bê Daruma – mô phỏng Bodhidharma – thường không có mí mắt và mắt luôn để mở rất to.
Một đặc điểm cũng vô cùng lạ và thú vị của búp bê Daruma nằm ở chính lông mày, ria mép và tóc má. Lông trên mặt Daruma đại diện cho những loài động vật nổi tiếng sống thọ trong văn hóa châu Á: con sếu (sống 1000 năm) và con rùa (sống 10000 năm). Lông mày của Daruma thì cong cong như cổ con sếu, còn tóc má thì giống vỏ rùa. Cũng bởi lông mày cong, hơi nhíu lại như thế nên tạo cảm giác khuôn mặt Daruma cau có. Tuy nhiên, mọi người cũng giải thích rằng dù có vẻ cau có nhưng nó lại là biểu hiện của sự tập trung cao độ, giúp chủ nhân mỗi khi nhìn vào Daruma sẽ cảm thấy cần phải tập trung, cố gắng phấn đấu vì mục tiêu trước mắt hơn nữa. Ngoài ra, trên bụng ở Daruma cũng thường viết chữ “Phước”( 福) hay “Cự Phước” (巨福) để mong cho chủ nhân mình vừa được hạnh phúc lại trường thọ.
Như thế, biểu tượng Daruma là hình một búp bê vô cùng đặc sắc với hàm ý sâu xa. Nó đã bước qua giới hạn là hình ảnh biểu tượng cho Bodhidharma để mang những nét đặc điểm rất riêng, rất lạ và rất có ý nghĩa. Nếu chỉ nhìn thoáng qua, với những người không hiểu về ý nghĩa của Daruma thì chắc hẳn sẽ cảm thấy con búp bê này có chút gì đó không ưa nhìn bởi đôi mắt lúc nào cũng mở trừng trừng, lông mày nhướn lên vẻ khó chịu và cả khuôn mặt thì nhìn có vẻ dữ tợn. Tuy nhiên, nếu mọi người hiểu tất cả nội hàm trong mỗi chi tiết nhỏ ấy thì hẳn ai cũng sẽ yêu thích con búp bê lật đật nhỏ bé này; bởi từ thân hình, màu sắc cho tới từng đường nét trên con búp bê đều mang ý nghĩ tốt lành và búp bê dành tặng tất cả điều đẹp đẽ đó cho chủ nhân của nó.
2. Các loại hình biểu tượng Daruma
Nếu như cách thiền của Bodhidharma được coi là hết sức lạ lùng, quái dị, khác hẳn so với quan niệm, tư tưởng của những nhà sư Phật giáo Đại thừa cùng thời thì đến Daruma, biểu tượng này cũng rất đặc biệt so với những biểu tượng tín ngưỡng khác của Nhật Bản. Vốn là sự mô phỏng của vị Thiền sư Phật giáo Ấn Độ Bodhidharma rất nổi tiếng, cũng là một hình ảnh cho Thiền tông Nhật Bản, hơn nữa còn là một tấm bùa phù hộ thiêng, trong con mắt của mọi người, đáng nhẽ Daruma phải là một biểu tượng vô cùng cao quý và linh thiêng, phải được đặt một cách trịnh trọng trong những ngôi chùa lớn với hương khói và tiếng rung chuông cầu nguyện bao quanh. Tuy nhiên, vào khoảng thế kỉ XVII, đương thời Edo, người ta đã coi Daruma như một biểu tượng cho sự xấu xa, một thứ đáng để cười nhạo, thậm chí còn là một vật biểu trưng cho mại dâm. Đến đây, một câu hỏi lớn được đặt ra là: Nếu Daruma đã từng là một thứ nhơ bẩn, đáng khinh, vậy tại sao nó lại tồn tại được đến bây giờ và vẫn được yêu mến, coi trọng như vậy? Để có thể hiểu được điều này, ta cần trút bỏ hình ảnh Daruma trong trường hợp là một biểu tượng cho Thiền tông Nhật Bản và đưa nó vào bối cảnh là những câu chuyện dân gian liên quan đến truyền thuyết Bodhidharma. Qua đó, ta mới thấu hiểu hết sự đa nghĩa trong biểu tượng cũng như nét hấp dẫn, quyến rũ ở con búp bê nhỏ này.
Trong một bài viết mang tên “From Bodhidharma to Daruma: The Hidden Life of a Zen Patriarch” của học giả Bernard Faure, ông đã liệt kê ra một số loại hình biểu tượng Daruma thể hiện, đó là:
– Linh hồn ác (onryou怨霊)
– Vị thần đường (dousojin道祖神) kết hợp với yếu tố tình dục
– Vị thần nhau thai (ena koujin衣那荒神) hay vị thần của vận mệnh (shukujin宿神)
– Vị thần của dịch bệnh (ekijin役神)
– Vị thần bệnh đậu mùa (housougami/housoushin疱瘡神)
– Vị thần may mắn (fukujin福神).
Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra các yếu tố chính để xây dựng lên những loại hình biểu tượng này, đó là:
– Biểu tượng của tình dục.
– Biểu tượng của Kago籠(lồng, sọt, vỏ), sự ấp trứng, sự ẩn dật, sự thai nghén và các quan hệ của nó đối với việc sinh sản dễ dàng cũng như với việc nuôi trồng tằm.
– Mã màu (đỏ) và mã không gian (phương nam) mà thể hiện cho lửa, sự phù phép, tính dương (+) và bệnh đậu mùa.
– Sự di chuyển tới lui (hay lắc qua lắc lại) của búp bê mang hàm nghĩa sâu xa về tính dục và là biểu tượng của sự hồi phục hay tái sinh.
Tìm hiểu về vấn đề này, người viết nhận thấy những loại hình được liệt kê trên khá đầy đủ và chính xác, bởi vậy, trong bài viết này, người viết xin được đưa ra quan điểm về loại hình biểu tượng Daruma dựa trên quan điểm của Faure. Tuy nhiên, vì dung lượng bài viết ngắn, người viết giới hạn xuống còn 4 loại hình biểu tượng đặc sắc: vị thần đường, vị thần nhau thai, vị thần đậu mùa và vị thần may mắn.
2.1. Vị thần đường
Quay trở lại với giả thuyết của Nhật Bản về Bodhidharma sau khi ông tái sinh, vị sư này đã đi đến Nhật Bản và gặp Thái tử Shoutoku ở một ngã tư (crossroads/ 岐) dưới chân núi Takaoka trong bộ dạng là một kẻ ăn xin đói khát. Thái tử đã tặng cho kẻ ăn xin này một bài thơ và khoác cho ông chiếc áo choàng của mình. (Đọc phụ lục 1)
Theo học giảRotermund, ông cho rằng chính vần thơ cũng như chiếc áo khoác mà Thái tử tặng cho kẻ ăn xin này đã đem lại nguồn sống về mặt tinh thần cho kẻ ăn xin đó. Xét về hành động tặng áo khoác, học giả Rotermund đã chỉ ra rằng việc tặng/ đắp áo cho người khác ở những nơi được coi là nguy hiểm như ngã tư hay chỗ qua đường (crossroads and passes) mang một ý nghĩa biểu trưng dùng để xoa dịu cái chết.
Một luận điểm khác của học giả tên Michael Como lại chỉ ra rằng hành động của Thái tử Shoutoku ở ngã tư đó chính là một hành động trong nghi lễ thanh tẩy kiếp trước (preexisting purification rite). Núi Takaoka được xem là một nơi có tính linh thiêng bởi nó nằm giữa hai tỉnh Naniwa và Asuka, chứa ngã tư đường nối hai tỉnh với nhau, nơi đã từng xây dựng triều đình Yamato. Nhiều học giả cho rằng để làm xoa dịu linh hồn thù hận của những kẻ thù bại trận trước mình, Thái tử Shoutoku đã thực hiện các nghi lễ thanh tẩy kiếp trước cho họ vào dịp cuối năm. Núi Takaoka được coi là nơi triều đình Yamato thực hiện các nghi lễ cúng tế tâm linh này. Bằng cách gửi các linh hồn xấu xa đến một thế giới khác mang tên Ne no Kuni (根の国)[2], nghi lễ được cho rằng là có khả năng thanh tẩy vùng đất. Trong nghi lễ này, người ta thường sử dụng những búp bê hình nhân thế mạng (hitogata 人形) mặc bộ quần áo của người chủ tế. Đặt trong trường hợp Bodhidharma, việc Thái tử khoác áo choàng cho kẻ ăn xin đã không còn đơn thuần là hành động của sự thương xót mà chính là hành động trong nghi lễ để thanh tẩy, đổi mới thế giới và nó mở ra một năm mới tốt lành hơn.
Đi từ Bodhidharma đến Daruma, câu chuyện về nghi lễ ở Takaoka được thực hiện ở ngã tư đường lại có liên quan tới vị thần đường (crossroad deity/dousojin道祖神) . Như chúng ta biết thìnhững vị thần đường thường được biết đến trong truyền thuyết Nhật Bản là vị thần mang dáng hình dương vật và được đặt ở các ngã tư đường, Bodhidharma dưới thân hình kẻ ăn xin cũng ngồi ở ngã tư và dáng ngồi của ông được xem là giống dương vật nên Bodhidharma được người Nhật cho là giống vị thần đường. Bên cạnh đó, vị thần đường còn có tên gọi khác là Sae no Kami (塞神) – thần chặn đường, ngăn không cho những linh hồn xấu không xâm nhập được vào thế giới của người sống. Như vậy, nghi lễ ở Takaoka và ý nghĩa của những vị thần đường cũng giống như nhau, đó là để xua đuổi những tà ma, làm trong lành thế giới. Với các yếu tố từ ngoại hình cho tới khả năng đều phù hợp trở thành một vị thần đường như vậy, người Nhật đã biến vị Thiền sư Bodhidharma thành một vị thần đường.
Ngoài công việc xua đuổi tà mà, vị thần này còn giúp bảo vệ dân làng tránh khỏi những tai ương như dịch bệnh, côn trùng phá hoại mùa màng hay hạn hán. Họ thường được hình tượng hóa là một cặp vợ chồng đang thực hiện một cách trực tiếp, thẳng thắn hay gián tiếp, kín đáo những hành động mang tính dục. Ở đây, cặp vợ chồng này không ai khác chính là cặp vợ chồng Daruma. Người vợ của Daruma chính là Okame, hay còn gọi là Otafuku お多福– hiện thân tiêu biểu cho nữ thần Ame no Uzume no Mikoto.
Ta cần chú ý rằng hình tượng cặp vợ chồng này chỉ dừng lại ở những bức vẽ, chứ chưa được làm thành búp bê. Tuy nhiên, ý nghĩa của cặp vợ chồng này lại chính là một trong những nền tảng xây dựng hình tượng búp bê Daruma, nên khi búp bê ra đời, bên cạnh ý nghĩa linh thiêng về Thiền, nó vẫn được coi là một biểu trưng của tình dục cũng như sự phì nhiêu, màu mỡ và mắn đẻ.
Nhìn vào búp bê Daruma, ta thấy nó được tạo hình là một con búp bê lật đật. Những yếu tố mang tính dục của Daruma chính là nằm ở sự lắc lư lên xuống của lật đật mà mọi người cho rằng là giống với dương vật của người đàn ông. Loại hình tượng này được thể hiện khá rõ ràng từ thời Edo cho đến tận thời Minh Trị, thông qua những Daruma mang dáng hình dương vật được làm bằng đá hay giấy bồi bày bán ở khắp nơi. Những hình Daruma này tuy cũng là tượng trưng cho Bodhidharma nhưng không giống búp bê hiện nay, nó vẫn để nguyên tay chân, chính hai chân khoanh lại và tư thế ngồi thẳng đã tạo ra hình dáng giống dương vật.
Ngay trong thời kì Edo, cái tên “Daruma” cũng là biệt hiệu dành riêng để gọi các cô gái điếm. Có lẽ, giống như Daruma có thể đem lại sức khỏe, năng lượng cho chủ nhân của mình, sự chuyển động lên xuống của phần dưới của các cô gái này đã đem lại sảng khoái, năng lượng cho chủ nhân của mình – những người đàn ông.
Như thế, từ truyền thuyết về Bodhidharma là một kẻ ăn xin ở ngã tư đường dưới chân núi Takaoka, các học giả đã đưa ra giả thuyết cho rằng Daruma biểu tượng cho vị thần canh gác đường. Từ ý nghĩa củavị thần là giúp làng xóm được bình an, mùa màng bội thu và sinh sản thuận lợi thì những yếu tố mang tính dục hết sức thân quen trong văn hóa phương Đông cũng đã được thể hiện ra. Nếu như trong tranh là những hình như Bodhidharma mặc đồ phụ nữ, là kĩ nữ, thậm chí là cặp đôi Bodhidharma và kĩ nữ đang bên nhau thì đến biểu tượng Daruma, nó được thể hiện ra là những hòn đá hay giấy bồi hình dáng dương vật. Ta có thể thấy một nét hấp dẫn ở đây là đi từ Trung Quốc sang Nhật Bản, hình ảnh Bodhidharma đã chuyển biến rất nhiều. Nhật Bản đã không chỉ phủ thêm vào câu chuyện truyền thuyết nhiều lớp yếu tố kì ảo mà còn từ đó mở ra những biểu tượng Daruma với ý nghĩa rất mới lạ, độc đáo. Qua đó, ta cũng có thể nhớ lại về thuyết “Thần Phật tập hợp” (Shinbutsu Shugo) khi mà hình tượng Phật nguyên bản của Ấn Độ được kết hợp với hình ảnh Thần của Nhật Bản để hợp nhất thành một thể.
2.2. Vị thần nhau thai
Từ những ý nghĩa biểu tượng mang tính phì nhiêu, màu mỡ như mùa màng bội thu hay mắn đẻ của Daruma, người ta đã liên tưởng con búp bê nhỏ bé này với biểu tượng phôi thai. Qua một số tài liệu bí truyền Kirigami, các học giả đã tìm thấy những quan điểm rất thú vị liên quan vấn đề này. Người Nhật Bản, đặc biệt là người theo Thiền tông, chỉ ra rằng 9 năm ngồi thiền của Bodhidharma tương ứng với 9 tháng đứa bé ở trong bụng mẹ. Trong 9 năm ấy, Bodhidharma đã “phủ lên mình một lớp màng bao bọc để tránh khỏi các loại thuốc độc và kéo dài tuổi thọ”; tương ứng với điều này chính là việc hình thành lớp màng thai nhi trong bụng mẹ. Nhiều học giả cũng tin rằng lớp màng bao bọc đó chính là chiếc áo choàng đỏ ông chùm lên người. Sau này, nhiều Kirigami của Thiền tông phái Soutou cũng đã liên kết câu chuyện ngồi thiền trong hang của Bodhidharma với việc nữ thần mặt trời Amaterasu đã bỏ trốn vào hang. Một tài liệu về Thiền thời Edo mang tên Sangai-isshinki (三界一心記) được viết bởi nhà Thiền sư Dairyuu( 大龍) đã chỉ ra rằng: Việc nữ thần Amaterasu trốn vào trong hang có thể coi như là sự chui vào trong bụng mẹ của đứa bé. Ta có thể xem tử cung của người mẹ như một Đền thờ lớn, còn đứa bé chính là vị thần trú ngụ trong đó, và âm hộ của người mẹ – nơi sẽ đón em bé chào đời – chính là cổng Đền.
Từ biểu tượng phôi thai nói trên, một Kirigami của phái Soutou đã đưa ra nhận định cho rằng chính chiếc áo choàng đỏ là biểu tượng của nhau thai, bởi nó giúp bảo vệ và nuôi dưỡng Bodhidharma như là nhau thai nuôi sống đứa bé trong bụng mẹ. Từ đó, những ý nghĩa tâm linh về nhau thai cũng ra đời và sản sinh ra vị thần nhau thai Ena Koujin (衣那荒神) , với tên gọi khác là vị thần hộ mệnh Ujigami (氏神). Thậm chí, khái niệm này còn cho rằng nhau thai tồn tại song song với thai nhi như anh em song sinh, “người anh” này sống trọn cuộc đời mình vì em, và chết khi “người em” chào đời. Đây cũng là một lí do lí giải vì sao lại có tục đốt nhau thai ở Nhật Bản, nó chính là một nghi thức tang lễ. Nhưng kể cả sau khi chết đi, linh hồn “người anh” vẫn gắn kết với em mình để bảo vệ cho em.
Như thế, ở đây, ta thấy được một biểu tượng rất hấp dẫn của Daruma. Với vỏ bọc bên ngoài là chiếc áo choàng đỏ tượng trưng cho nhau thai, Daruma chính là vị thần nhau thai. Vị thần này luôn đi cùng các em bé từ khi em được sinh ra trong bụng mẹ cho tới khi em chết để bảo vệ, che chở và nuôi dưỡng các em trưởng thành, trở thành người hộ mệnh cho các em. Hiểu một cách sâu xa hơn, Daruma sẽ là vị thần nối liền người mẹ với người con, nếu theo quan điểm nhà Phật coi mỗi đứa bé là một sinh linh Trời ban xuống cho trần gian thì chẳng phải Daruma chính là vị thần nối liền Trời Đất hay sao?! Trong một tác phẩm mang tên Sannou Hiyouki viết năm 1990 đã viết vị thần nhau thai chính là “sợi mành của Trời Đất” (the warp and woof of heaven and earth).
Ngoài ra, từ ý nghĩa loại hình tượng này của Daruma, người Nhật Bản đã gắn liền nó với cái kén tằm bởi họ cho rằng cả Daruma lẫn kén tằm đều tượng trưng cho sự thai nghén. Đây cũng là câu trả lời cho câu hỏi vì sao vào mỗi dịp xuân về người nông dân Nhật Bản lại đi xin chùa những con búp bê Daruma về để cầu cho mùa tơ tằm năm đó được bội thu, đặc biệt là vào thời Minh Trị khi ngành dệt vải rất phát triển. Bên cạnh việc mua Daruma về cầu cúng, người nông dân cũng làm lễ đuổi sâu bọ Mushi Okuri (虫送り). Theo học giả Faure, lễ này cũng có liên quan tới Daruma. Do người nông dân tin rằng những con sâu bọ bị chết trong các đợt phun thuốc sẽ giống Daruma trở thành những linh hồn xấu xa[3] mong muốn quay trở về quấy phá mùa màng nên họ cần phải làm lễ như một cách làm xoa dịu các linh hồn này.
2.3. Vị thần đậu mùa
Như chúng ta có thể thấy, màu đỏ của Daruma được biết đến như một yếu tố quan trọng, đưa Daruma trở thành vị thần nhau thai cũng như vị thần hộ mệnh. Tuy vậy, nó cũng khiến Daruma trở thành vị thần của những dịch bệnh mà trong đó tiêu biểu hơn cả là vị thần đậu mùa.
Dịch bệnh đầu mùa xảy ra ở Nhật Bản vào khoảng thời kì Edo, nó là một dịch bệnh khá lớn, nguy hiểm và đã chanh chóng lan rộng ra khắp đất Nhật Bản. Lúc này, người Nhật Bản đã nghĩ ra một số cách mang tính tâm linh để phòng chống đậu mùa. Vị thần bệnh đậu mùa (Housougami 疱瘡神) được cho là rất thích màu đỏ. Bởi thế, nếu như ai chiều được lòng ông ta với các hình màu đỏ thì bệnh sẽ chóng khỏi. Để chiều lòng vị thần này, người ta đã làm các lá bùa đeo bên người mang hình Daruma, hình con cú, hình con chó nhỏ và một loại đồ chơi, tất cả đều được làm bằng màu đỏ. Đối với những em bé bị bệnh đậu mùa, người Nhật Bản cũng hay tặng các đồ chơi màu đỏ, trong đó búp bê Daruma được tặng nhiều nhất. Ở trên bàn thờ trong nhà, họ cũng trang trí những dải giấy màu đỏ Gohei 御幣, một con búp bê Daruma, một con búp bê cú hay khỉ Shoujou (Orang-uotan)[4].
Do bệnh đầu mùa hầu như ai cũng phải trải qua một lần trong đời, không thể tránh khỏi nên việc mua bùa may mắn ngày càng được thịnh hành hơn. Daruma không chỉ có một màu đỏ rực rỡ, mang ý nghĩa may mắn mà còn là con lật đật, dù có đẩy tới đẩy lui hay xoay thế nào đi chăng nữa cũng có thể bật dậy ngay, người Nhật tin nó tượng trưng cho việc mau chóng hồi phục sau khi ốm bệnh. Với màu sắc và ý nghĩa như thế, Darumađược tin là một tấm mùa may mắn giúp chủ nhân nó tránh khỏi bệnh dịch này. Tuy nhiên, cũng từ màu đỏ này mà không ít người cho rằng Daruma chính là vị thần bệnh đậu mùa.
Dù quan niệm như thế nào thì các con búp bê Daruma cũng dần dần trở nên được ưa chuộng hơn cả, ai cũng sắm cho mình một con búp bê này. Từ sự phổ biến đó, hình ảnh Daruma đã không còn gói gọn trong con búp bê nữa mà được đưa cả vào trong những bức họa cũng như những cuốn sách. Đầu tiên là về các bức họa được dùng như một tấm bùa chú ngăn chặn bệnh đậu mùa rất thịnh hành trong thời Edo. Trong những bức vẽ đó thường có hình một con búp bê Daruma và một con chó con – biểu tượng của sự khỏe mạnh. Đứa bé trong tranh thường là đứa bé ốm do đậu mùa, sẽ được vẽ với tư thế là ngồi trên đầu hoặc phía trước của Daruma, cũng có thể là tư thế cưỡi con chó và trên đầu quấn khăn đỏ. Đính kèm bức tranh là vài dòng thơ nhỏ như:
“Gần với đứa bé bị ốm bởi đậu mùa
Daruma giấy và chú chó may mắn đang nô đùa.”
hay “Người bạn thân Daruma, với khuôn mặt thật hiền hòa, cậu ấy chẳng chịu nằm ở giường suốt.”Tiếp theo là về những cuốn sách dùng để ngăn bệnh đậu mùa dành cho thiếu nhi. Các cuốn sách này thường có mô-tuýp đa dạng, khác nhau. Ví dụ có một cuốn sách thì nói về việc Daruma và các bạn – đống đồ chơi – đang tổ chức một buổi hội chợ dành cho các vị thần đậu mùa; trong khi đó, một cuốn sách khác lại nói về việc Daruma cùng các bạn của nó (trong đó có con cú) đang bị vị tướng Minamoto no Tametomo quát mắng vì đã để những con yêu quái gây bệnh đậu mùa tự do tác oai tác quái, khiến cho nhiều em bé bị chết yểu.
Ở đây, ta có thể tìm thấy một điều khá lạ lùng, đó là vì sao Daruma vừa là vị thần đậu mùa nhưng lại vừa đi giúp mọi người tránh bệnh đậu mùa? Theo nghiên cứu của một học giả tên Rotermund, ông chỉ ra rằng vốn ban đầu Daruma chính là một vị thần đậu mùa, tuy nhiên, sau này Daruma đã trở thành vị thần chống lại dịch bệnh này, nhiệm vụ của Daruma không gì khác chính là quan sát để các con yêu quái bệnh gây bệnh đậu mùa không làm hại các đứa trẻ. Ông cũng đưa ra vài ví dụ chứng minh rằng tự bản thân những vị thần dịch bệnh đó (vốn là những linh hồn phẫn uất) có thể chuyển hóa thành những vị thần bảo hộ. Daruma cũng như vậy. Tuy nhiên, người ta cũng thấy rằng trong câu chuyện kể về cuộc chiến chống tà ác (bức tranh bên trên), Daruma vẫn bị ảnh hưởng bởi cái xấu. Mặc dù bên ngoài thì nghe theo lệnh của Tametomo nhưng con búp bê này sau đó đã chơi xỏ và hoàn toàn đi theo phe yêu quái. Đi từ câu chuyện đến đời thực, có lẽ đây là một cách nói ám chỉ rằng vào giai đoạn đó dù nhiều gia đình đã rất cố gắng nhưng vẫn có người mất do đậu mùa chăng?!…
2.4. Vị thần may mắn
Nhiều người từng đặt ra câu hỏi rằng tại sao biểu tượng Daruma lại được yêu thích đến vậy trong thời kì Edo? Trả lời cho câu hỏi này, bên cạnh những loại hình biểu tượng phong phú, độc đáo kể trên, một nhân tố chính khiến con búp bê này trở nên nổi tiếng bởi vì nó mang lại sự may mắn. Daruma được cho là một vị thần may mắn, luôn đem tài lộc và hạnh phúc đến cho chủ nhân của mình. Đây cũng chính là biểu tượng quen thuộc nhất với tất cả mọi người dân Nhật Bản cũng như toàn thế giới, được mọi người cùng đón nhận và gửi gắm niềm tin tâm linh của mình vào đó.
Từ hình dáng cho đến từng chi tiết, búp bê Daruma thể hiện rõ đặc tính là một tấm bùa cầu may. Daruma mang dáng tròn, tượng trưng cho sự viên mãn và an lành.Tiếp đó, sắc đỏ tươi của Daruma cũng tượng trưng cho sự may mắn. Rồi đến đôi lông mày và lông má cũng được làm theo hình con sếu và rùa với ý mong muốn chủ nhân được trường thọ. Thêm vào đó là chữ “Phước” ở cái bụng tròn vo của Daruma tượng trưng cho sự sung túc, no đủ và hạnh phúc. Cuối cùng, với tính chất của một con búp bê lật đật, dù có bị đẩy bao nhiêu lần cũng có thể bật thẳng dậy ngay lập tức đã thể hiện ước mong cho chủ nhân luôn khỏe mạnh, nếu có bệnh sẽ chóng khỏi và lúc nào cũng kiên cường, mạnh mẽ vượt qua nỗi vất vả một cách thuận lợi.
3. Kết luận
Xuất hiện trên đất Nhật Bản từ việc mong muốn có được vật cầu may mang hình Bodhidharma của người nông dân, sau đó, qua những câu chuyện dân gian, tín ngưỡng của người Nhật lồng ghép vào mà Daruma đã trở nên đa nghĩa. Biểu tượng này không chỉ được xem như một vị thần thánh mà nó còn tồn tại với nhiều hình tượng khác biệt, trong đó có cả những hình tượng vô cùng xấu hay nhơ bẩn. Nhiều lúc, ta cảm tưởng như Daruma bị ruồng rẫy, từ tôn giáo cho đến biểu tượng, Daruma bị mọi người hạ thấp. Tuy nhiên, khi bị hạ thấp như thế, Daruma không còn chỉ đơn độc trong thế giới Thiền tịnh cao sang kia mà nó đã đi vào mọi ngõ ngách đời sống người Nhật. Nó sống giữa những người tội lỗi, những gái mại dâm, những kẻ thất học, những người nông dân nghèo khổ và cả những em bé ốm yếu bệnh tật. Lại với ý nghĩa là vật may mắn giúp chủ nhân nó nuôi dưỡng ý chí, nghị lực và lòng quyết tâm để thực hiện ước mơ, thì đối với những con người của đất nước ưa chuộng vật cầu may này, Daruma đã trở thành một nguồn động lực, bảo vệ, an ủi, tạo niềm tin cho tất cả những ai đang muốn phấn đấu vượt lên chính số phận. Daruma như hòa với nhịp sống cộng đồng, như đúng với tinh thần của Thiền thực sự, nó sinh ra là để cứu rỗi tâm hồn con người!
Đào Ngọc Mỹ Linh, K59 Đông phương học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
[1] Phụ lục 1 (Mở rộng kiến thức về Bodhidharma)
[2] Ne (根): gốc, rễ. Đây là cách chơi chữ của người Nhật, từ này đồng âm với Ne (寝) nghĩa là “ngủ”, nhưng ở đây ám chỉ việc ngủ mãi mãi. Như thế, “Ne no kuni” là vùng đất chết, âm phủ.
[3] Lúc Bodhidharma bị uống thuốc độc mà chết yểu, ông cảm thấy vô cùng tức giận nên sau khi chết đã không siêu thoát mà trở thành linh hồn xấu xa đầy thù hằn, muốn quay về báo thù.
[4] Khỉ Shoujou (Orang-outan): được biết đến như một con khỉ ngốc nghếch, thích uống rượu, bởi thế mặt lúc nào cũng đỏ. Việc con khỉ này ôm bình rượu mang ý nghĩa là sung túc và bất tử. Tuy nhiên, giống như Daruma, khuôn mặt đỏ của nó lại khiến người ta liên tưởng nó đến những linh hồn xấu xa và thần bệnh đậu mùa.
Tài liệu tham khảo
1. Bernard Faure (2011), ”From Bodhidharma to Daruma: The hidden Life of a Zen Patriarch”, Journal of The International Research Center for Japanese Studies, 23, p. 47-48
2. Rotermund (1998), “La sieste sous l’aile du cormoran” et autres poèmes magiques: Prolégomènes à l’estude des concepts religieux du Japon, Paris
(Rotermund (1998), “Giấc ngủ trưa dưới cánh chim cốc” và các bài thơ huyền thoại: Lời nói đầu để học về khái niệm tôn giáo Nhật Bản, Paris)
3. Suzuki Daisetsu (1968), “Suziki Daisetsu Zenshu”, Vol.1, p. 293
4. 鷲尾順慶 (1930), “三界一心記”, 日本思想闘争史料, 5, p. 530
(Washio Shunqing (1930), “Tam giới nhất tâm kí”, Lịch sử đấu tranh tư tưởng Nhật Bản, 5, p.530)
http://www.domodaruma.com/blog/daruma-doll-history-of-japanese-wishing-dolls
https://en.wikipedia.org/wiki/Daruma_doll
https://en.wikipedia.org/wiki/Chan_Buddhism
http://www.onmarkproductions.com/html/daruma.shtml
Phụ lục
Phụ lục 1: Truyền thuyết về Bodhidharma
Để có thể hiểu rõ hơn về Daruma, ta cần tìm hiểu về Bodhidharma, người được coi là hình tượng căn bản để tạo nên biểu tượng Daruma. Nói đến Bodhidharma, từ những mẩu tài liệu vụn vặt còn sót lại về ông, nhiều học giả đã đưa ra các giả thuyết khác nhau về cả sự tồn tại lẫn cái chết của ông. Mặc dù vậy, hầu hết những học giả này đều công nhận ông là một vị sư Phật có tiếng và được coi là người sáng lập phái Thiền tông (Chan Buddhism 禅/ 禪).
Nhà sư theo Phật giáo mang tên Bodhidharma (Bồ Đề Đạt Ma), người từng bị những vị truyền đạo Thiên Chúa giáo hiểu nhầm là tông đồ Thomas – một trong mười hai tông đồ của chúa Jesus, thực ra là một vị sư người Ấn truyền giáo đến Trung Quốc, ông được mọi người tôn trọng, xem như một vị La Hán và cũng được coi là hình ảnh đại diện cho Quan Thế Âm Bồ Tát (Bodhisattva Avalokitesvara). Là người hình thành nên phái Thiền tông, Bodhidharma cũng được sùng bái như Phật Tổ Như Lai (Buddha), thậm chí có khi là gấp đôi.
Về lai lịch của ông, do vốn tư liệu chính thống còn khá ít ỏi, đa phần lại nhuốm màu sắc huyền thoại, nên chỉ có ba nguồn tham khảo chính, đáng tin cậy: “The Record of the Buddhist Monasteries of Luoyang” (Ghi chép của tu viện Phật giáo Lạc Dương) của Yang Xuanzhi (năm 574), “Long Scroll of the Treatise on the Two Entrances and Four Practices” (Cuốn giấy dài chuyên luận về hai lối đi bốn lý thuyết) của Tan Lin (thế kỉ VI), “Further Biographies of Eminent Monks” (Tiểu sử kĩ lưỡng hơn về những vị nhà sư lỗi lạc) của Dayi Daoxin (thế kỉVII). Trong những tài liệu đó, vị sư này được nói là “đến từ Ba Tư”, hay là “một tu sĩ Brahman (Bà La Môn) đến từ Nam Ấn Độ”, hoặc là “người con trai thứ ba của một vị vua Brahman ở Nam Ấn Độ”. Bên cạnh đó cũng có một số thuyết dân gian còn cụ thể hóa rằng ông là người con trai thứ ba của vua Pallava ở Kanchipuram.Sau khi đạt được sự khai sáng, giác ngộ các giáo lý, Bodhidharma đã đến Trung Quốc với mong mỏi sẽ truyền giảng đạo lý của Phật giáo Đại thừa cho những người Trung Hoa. Ông đã đến Quảng Đông vào đầu thế kỉ VI. Tại đây, ông đã có cơ hội được gặp vị vua Lương Vũ Đế vốn là một người sùng đạo Phật. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ bất chợt, ngắn ngủi này lại là một điềm gở khi ông đã nói một cách không lịch thiệp rằng những hành động mộ đạo của vị vua này chẳng có ý nghĩa gì cả. Và sau đó, vị sư này đã phải chuyển đến sống ở phía bắc Trung Quốc. Theo tương truyền thì Bodhidharma đã “bẻ cây sậy, vượt sông Dương Tử, lên chùa Thiếu Lâm”. Khi sang bờ kia sông, ông đã lên chùa Thiếu Lâm trên núi Tung Sơn và tu tập thiền định bằng cách quay mặt vào bức tường trong một cái hang suốt 9 năm. Cách ngồi thiền của ông cũng đã thu hút được một vài môn đệ, trong đó, có một người tên là Huệ Khả (Huike) vì mong muốn theo học Bodhidharma mà đã đứng trong tuyết ở bên ngoài hang động chờ cả một tuần và sau đó chặt đứt cánh tay trái của mình để thể hiện quyết tâm được giác ngộ. Khả cuối cùng đã trở thành người kế nhiệm Bodhidharma. Dù có được một vài môn đồ nhưng Bodhidharma cũng không ít kẻ đối địch. Sau hai lần giết hại không thành, cuối cùng, ông đã bị đầu độc và chết dưới tay hai kẻ thù, qua đời ở tuổi 150.
Tưởng rằng câu chuyện truyền thuyết đến đây là kết thúc, nhưng nó lại được tiếp diễn vào ba năm sau cái chết của Bodhidharma, khi một sứ thần Trung Hoa trở về từ Ấn Độ đã kể rằng ông đã gặp vị sư này trên cao nguyên Pamir. Lúc đó Bodhidharma đang trở về quê hương của mình, ông đi chân trần, trên tay cầm một chiếc giày. Người ta ngay sau đó đã mở nắp quan tài của Bodhidharma lên, bên trong cũng hoàn toàn trống rỗng, chỉ còn để lại đúng một chiếc giày. Sau này, hình ảnh Bodhidharma với một chiếc giày cũng đã trở nên quen thuộc trong những bức tranh về Thiền.Từ đây, người ta bắt đầu tin rằng Bodhidharma chính là một vị sư bất tử và cái chết của ông chỉ đơn thuần là một cái chết giả.
Theo “The Record of the Buddhist Monasteries of Luoyang”, sau khi về thăm quê, Bodhidharma đã quay trở lại Trung Quốc và tiếp tục sự nghiệp của mình. Bên cạnh Phật giáo, ông đã thực hiện thêm một số tác phẩm về Đạo giáo. Tuy nhiên, giả thuyết này không được nhiều học giả ủng hộ vì nó không lý giải được việc hình tượng Daruma đã truyền sang Nhật Bản như thế nào. Sau này, theo một giả thuyết khác từ phía Nhật Bản, Bodhidharma đã không quay trở về Ấn Độ để ở mà tiếp tục đi đến Nhật Bản. Phiên bản truyền thuyết này đã được truyền bá rộng rãi bởi phái Thiên Thai. Câu chuyện của trường dạy này liên kết Bodhidharma với vị Thái tử Shoutoku (Shotoku Taishi) (574 – 622) – người được coi là hiện thân của Tông chủ phái Thiên Thai tên Nanyue Huisi (517 – 77). Câu chuyện kể rằng vào một lần đi du ngoạn, Thái tử Shoutoku đã bắt gặp một kẻ ăn xin đói khát dưới chân núi Kataoka ở Nara và Thái tử đã đối đáp vài câu thơ với kẻ ăn xin này. Sau này, trong Nihon Shoki (Nhật Bản Thư Kỉ) đã ghi chép lại rằng người ăn xin biết chữ kia là một người bất tử. Bên cạnh câu chuyện ngắn này, một câu chuyện khác cũng được đưa ra. Theo giả thuyết này, Huisi được xem là một môn đồ của Bodhidharma. Khi cả hai gặp nhau trên ngọn núi Thiên Thai, Bodhidharma đã tiên đoán rằng họ sẽ gặp lại trong kiếp sau ở đất nước Nhật Bản. Câu chuyện được kể vào thời trung thế, khi mọi người tôn sùng Thái tử chính là hiện thân của Tông chủ Thiên Thai. Cũng bởi niềm tin này mà người Nhật đã xây một cái miếu nhỏ Daruma ở Kataoka, ngay gần với Houryuuji – ngôi chùa được chính Thái tử Shoutoku xây lên. Ngoài ra, người Nhật Bản cũng nhắc đến những mẩu chuyện nhỏ khá thú vị về Bodhidharma như: khi ông ngồi thiền trong vòng 9 năm mà không di chuyển gì, chân và tay của vị sư này đã bị teo nhỏ lại, thành thử nhìn từ đằng sau trông ông tròn như quả trứng; có một lần Bodhidharma đã vô tình ngủ thiếp đi khi ngồi thiền , nổi giận với chính hành động đó của mình, ông đã cắt đứt mí mắt để không bao giờ ngủ quên nữa, lúc ném mí mắt mình xuống đất, chỗ đó đã mọc lên cây trà xanh đầu tiên của Trung Quốc. Từ những chi tiết nhỏ, được tô điểm bằng nhiều yếu tố huyền ảo như vậy mà sau này đã góp phần hình thành nên những nét đặc trưng cho búp bê Daruma (tròn, mắt trợn trừng, không có lông mi) và văn hóa thưởng trà trong các buổi tập Thiền – đây không chỉ là một cách kết hợp được Thiền với văn hóa Nhật Bản mà còn giúp tránh việc bị buồn ngủ trong những lúc tĩnh tọa Zazen (座禅).